Nhãn lồng Hưng Yên trên đất Ea Kiết
Những năm gần đây, việc chuyển đổi từ những cây trồng kém hiệu quả sang trồng những cây cho hiệu quả kinh tế cao đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cư M’gar có được nguồn thu nhập cao và bền vững. Trong đó, mô hình trồng nhãn lồng Hưng Yên của anh Nguyễn Trọng Đạt ở thôn 2 (xã Ea Kiết) là một trong những mô hình đang mang lại nhiều triển vọng.
Trước đây, trên diện tích 02 ha đất của gia đình, anh Đạt trồng cà phê nhưng do cà phê già cỗi, cho năng suất, sản lượng thấp nên hiệu quả đem lại không cao. Năm 2020, qua tìm hiểu và tham quan một số mô hình kinh tế ở địa phương khác, nhận thấy trồng nhãn Hưng Yên dễ trồng, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư không cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương, anh Đạt đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích ha đất sản xuất của gia đình sang trồng nhãn lồng Hưng Yên, với 2.000 cây. Anh cũng là người trồng nhãn lồng Hưng Yên đầu tiên ở xã Ea Kiết.
Nhờ chăm sóc cẩn thận, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh... nên vườn nhãn của gia đình anh phát triển tốt, ít sâu bệnh. Khi cây nhãn 16 tháng đã bắt đầu ra hoa và đậu quả. Thời gian từ khi cây ra hoa đến lúc thu hoạch là 06 tháng.
Anh Nguyễn Trọng Đạt (phải) đang giới thiệu mô hình trồng nhãn lồng Hưng Yên cho Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kiết
Thời điểm này, mặc dù vườn nhãn của gia đình chỉ mới có 400 cây bước vào giai đoạn thu bói nhưng anh Đạt vẫn thu sản lượng đáng kể, với năng suất mỗi cây đạt 20 đến 30 kg, tổng sản lượng trong vụ này ước đạt khoảng hơn 08 tấn. Nhãn của gia đình to tròn, cơm dày, vị ngọt đậm và có hương vị thơm đặc trưng riêng nên rất được thị trường ưa chuộng. Hiện thương lái đến tận vườn mua với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, chăm sóc cũng mang đến cho gia đình thu nhập hơn 120 triệu đồng. Thời gian tới, khi cây nhãn bước vào giai đoạn kinh doanh chính thì năng suất, sản lượng vườn cây của gia đình sẽ còn cao hơn… Dẫn chúng tôi tham quan vườn nhãn lồng Hưng Yên đang trĩu quả của gia đình, anh Đạt vui vẻ nói: “Vùng đất này trồng nhãn rất hợp, chi phí đầu tư thấp, mỗi một cây đầu tư chỉ khoảng 100.000 đồng. Khi cây nhãn bước vào giai đoạn thu chính, 01 ha chỉ hết khoảng 100 triệu đồng, trong khi đó có thể thu được 40 đến 50 tấn… Tôi thấy cây nhãn rất khả thi, với giá cả thời điểm hiện nay thì thu nhập có thể gấp 02 đến 03 lần so với trồng cà phê…”.
Từ hiệu quả của mô hình trồng nhãn Hưng Yên mang lại, nhiều hội viên, nông dân trên địa xã Ea Kiết đã đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm và đều được anh tận tình hướng dẫn. Để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho gia đình, anh Đạt đang nghiên cứu, học hỏi và áp dụng các biện pháp kỹ thuật ép cây nhãn cho ra quả theo thời điểm mong muốn, hoặc quanh năm để bán được với giá cao hơn, cũng như kỹ thuật chiết ghép cây giống để cung cấp cho người dân ở địa phương...
Đánh giá về mô hình trồng nhãn lồng Hưng yên của anh Nguyễn Trọng Đạt, ông Trần Trung Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kiết cho biết:“Những năm qua, trên địa bàn xã nhiều hộ dân đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất. Trong đó, mô hình trồng nhãn lồng Hưng Yên của anh Đạt đã cho hiệu quả rất thiết thực, dù năm nay vườn nhãn chỉ mới thu bói nhưng vẫn cho thu nhập đạt bình quân 300.000 đồng/cây. Mức thu nhập này, cao hơn rất nhiều so với trồng cà phê. Chúng tôi đã tổ chức cho các hội viên, nông dân đến tham quan, học tập để áp dụng mô hình này vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn…”.
Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng nông sản ở địa phương như: cao su, cà phê, hồ tiêu… đang giảm mạnh và khá bấp bênh, thì sự thành công của mô hình nhãn lồng Hưng Yên của anh Nguyễn Trọng Đạt sẽ mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao nguồn thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, mô hình cũng đã và đang góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp ở địa phương…
-S.Pa-