Nhiều diện tích cây trồng ở huyện CưMgar “khát” nước
Thời gian qua, nắng nóng kéo dài đã làm cho nhiều hồ chứa, ao hồ, sông suối… tại các địa phương trên địa bàn huyện bị sụt giảm nguồn nước nghiêm trọng, khiến cho nhiều diện tích cây trồng rơi vào tình trạng "khát" nước, người dân phải chật vật xoay sở tìm nguồn nước tưới.
Năm nay, suối EaM'Droh- nơi phục vụ nước tưới cho hàng trăm ha cà phê, hoa màu ở xã EaM'Droh đã rơi vào mực nước "chết" sớm hơn 01 tháng so với năm ngoái. Con suối được cho là dồi dào nguồn nước, nay chỉ còn sót lại vài vũng nước nhỏ.
Suối Ea M'Droh cạn trơ đáy từ trước tết nguyên đán
Chỉ cách suối EaM'Droh khoảng 03 m, nhưng vườn cà phê của anh Nguyễn Văn Hanh (ở buôn EaM'Droh) cũng chỉ tưới được 02 đợt, thấp hơn 01 đợt so với năm ngoái. Để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, gia đình anh đã đầu tư khoan giếng với độ sâu 95 m, nhưng nguồn nước vẫn không đủ tưới, tình trạng đi xin nước vẫn diễn ra. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hanh cho biết: "Năm nay hạn sớm, tháng 12 là nước ở suối EaM'Droh hết nước rồi. Mọi năm tầm ni suối vẫn còn nước tướt vớt vát được. Tôi và những hộ gia đình ở đây khoan 7 cái giếng nhưng chỉ có 2 cái có nước thôi, mạch nước yếu lắm, không đủ tưới… Gia đình hiện đã tưới được 04 đợt rồi, 2 đợt nước suối, 2 đợt còn lại từ giếng của gia đình và xin của các hộ khác, phải kéo đến 14 cuộn ống (mỗi cuộn 50m) mới đủ, nhưng nguồn nước cũng không đủ, tưới được 01 tiếng xong phải đợi 03 – 04... Với diện tích 1,6 ha có nước thì chỉ tưới 4 ngày là xong, còn đợi nước thế này phải 10 ngày, đến nửa tháng…"
Cách suối EaM'Droh khoảng 300 m, 08 sào cà phê của gia đình anh Y Tô Lý K'Sơr cũng rơi vào tình trạng "Khát" nước trầm trọng, nhiều cây cà phê đã xuất hiên tình trạng héo và vàng lá. Anh Y Tô Lý cho biết, nguồn nước ở suối chỉ tưới được 02 đợt là hết nước, còn đợt 03 phải đi mua nước của các hộ khác với giá 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, để mua được nước tưới cho cây trồng gia đình cũng phải đợi một thời gian dài mới đến lượt. Anh Y Tô Lý K'Sơr nói: "Gia đình tôi đã đầu tư khoan đến 02 cái giếng nhưng không có nước, một cái sâu 100 m và cái thứ hai 80 m. Năm nay, nhiều hộ khoan giếng còn có nước để mua chứ mọi năm suối EaM'Droh cạn là gia đình cũng dừng tưới luôn, vì cũng không biết kiếm nước ở đâu ra nữa. Đợt 03 này, để có nước tưới gia đình phải kéo đến 6 cuộn ống, tuy vậy gia đình phải đợi rất lâu mới đến lượt. Cây cà phê không đủ nước, bị héo nhiều, khả năng sẽ bị kém năng suất và chết là không tránh khỏi".
Ngoài suối EaM'Droh, nhiều suối khác tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã rơi vào tình trạng bị khô cạn, như: Đầu nguồn suối EaTul, suối EaNiêu, suối EaH'Đing, EaKPam, EaDrơng. Trong 66 công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn, (15 đập dâng, 51 hồ chứa), tính đến ngày 17/02 các công trình còn đảm bảo được lượng nước tưới cho cây trồng là: Hồ buôn Joong xã EaKPam, hồ EaRing, EaM'Kang xã CuôrĐăng, hồ Đạt Hiếu xã CưD'LiêM'Nông, hồ buôn Wing xã EaKuêh, nhiều công trình còn lại mực nước đang thấp hơn cao trình nước dâng bình thường từ 0,5 – 01 m, đặc biệt có hồ chứa, đập dâng đã bị khô cạn.
Để chủ động trong công tác phòng hạn, khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, UBND huyện đã đạo UBND các xã, thị trấn, chi nhánh thủy lợi tổ chức phát dọn, nạo vét kênh mương, điều tiết nước hợp lý, tưới tiết kiệm, chống lãng phí nước, ưu tiên tưới nước cho nhưng diện tích thiếu nước.
Người dân khoan giếng để kiếm nguồn nước tưới cho cây trồng
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể về diện tích cây trồng bị thiếu nước do nắng nóng kéo dài, theo ghi nhận thực tế của phóng viên chúng tôi có địa phương diện tích cây trồng thiếu nước tưới đã lên đến hơn 100 ha. Con số này, sẽ còn tăng nếu thời gian tới trời tiếp tục không có mưa.
Cùng với thiếu nước tưới ở cây trồng, tại một số địa bàn đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Tính đến nay, toàn huyện có khoảng 431 hộ thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở xã Quảng Hiệp và EaKuêh./.
-Tin, ảnh: S.Pa-