Ông Đinh Hữu Hợp “ăn nên làm ra” nhờ kiến thức học từ Internet
Những năm gần đây, việc truy cập Internet để tìm kiếm thông tin phục vụ cho công việc không chỉ ở đội ngũ trí thức mà còn khá phổ biến trong bà con nông dân. Nhờ biết lựa chọn, học hỏi những kiến thức, cách làm hay, các tiến bộ KHKT-công nghệ trong sản xuất từ mạng Internet mà nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cư M'gar đã "ăn nên làm ra". Trường hợp ông Đinh Hữu Hợp ở thôn 1 - xã Cư Dliê M'nông là một trong những ví dụ điển hình.
Hiện nay, mỗi khi cần tìm hiểu về giá cả thị trường, kiến thức KHKT-công nghệ ông Đinh Hữu Hợp chỉ việc ngồi ở nhà, mở máy vi tính để tìm kiếm thông tin trên mạng Internet. Chỉ một lúc tìm kiếm thông tin trên mạng, ông Hợp đã nhanh chóng có được những kiến thức mình cần và đây cũng là cách làm được nhiều nông dân ở địa phương áp dụng.
Ông Đinh Hữu Hợp đang tìm kiếm thông tin trên mạng Internet
Ông Đinh Hữu Hợp ở thôn 1 - xã CưDliêM'nông mua máy tính và sử dụng mạng Internet để tìm kiếm thông tin từ năm 2012 với tổng kinh phí hơn 16 triệu đồng. Từ chỗ còn xa lạ với "con chuột, bàn phím", nhưng với sự chịu khó học hỏi của bản thân và được hỗ trợ, giúp đỡ từ những người am hiểu về công nghệ thông tin-máy tính nên hiện nay, ông Hợp đã có thể sử dụng máy tính để truy cập mạng Internet tìm kiếm thông tin dễ dàng, với thao tác ngày càng thuần thục. Hàng ngày, mỗi khi rảnh rỗi, ông Hợp thường ngồi trước máy vi tính, mò mẫn tìm kiếm thêm thông tin trên mạng để đọc và tìm hiểu. Từ việc chắt lọc tin thông, đã giúp ông Hợp tích lũy ngày càng nhiều kiến thức hữu ích phục vụ đắc lực cho sản xuất kinh tế nông nghiệp của gia đình. Gia đình ông Hợp hiện có gần 04 ha đất canh tác cà phê trồng xen 1.500 trụ hồ tiêu. Trước đây với cách canh tác truyền thống, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, mặc dù gia đình đã đầu tư chăm sóc vườn cây khá chu đáo nhưng năng suất vườn cây không cao, năm cao nhất gia đình chỉ thu được khoảng trên 03 tấn cà phê/ha. Sau khi học hỏi và tiếp thu những kiến thức bổ ích từ mạng Internet, ông Hợp đã áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình. Gia đình ông đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt để giảm công lao động khi tưới nước cho cây trồng vào mùa khô; áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh dịch hại tổng hợp cho cây trồng đúng lúc, đúng cách; kỹ thuật làm cành; bón phân cân đối đúng thời điểm… nên vườn cây của ông Hợp luôn cho năng suất cao và ổn định.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình kinh tế nông nghiệp của gia đình, ông Đinh Hữu Hợp ở thôn 1 - xã CưDliêM'nông vui vẻ nói: "Cách thức sản xuất của gia đình trước đây chủ yếu theo quán tính, kinh nghiệm, mặc dù tốn kém nhưng hiệu quả không cao. Qua Internet giờ tôi biết bón phân khi nào cho đúng thời điểm, đúng cách và đúng hàm lượng. Làm cành cũng vậy, trước thì xuề xòa lắm, giờ thì nên làm ở thời điểm nào, yêu cầu kỹ thuật ra sao. Phòng trừ sâu bệnh thì biết được thuốc nào để xử lý bệnh qua các biểu hiện của cây. Đối với tưới nước, gia đình đã áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt trên một phần diện tích, trước mỗi đợt tưới phải cần từ 02 đến 03 người, nhưng giờ chỉ 1 người là được rồi ".
Nhờ được đầu tư, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây của gia đình ông Hợp phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao, ổn định. Bình quân mỗi năm vườn cà phê của gia đình ông Hợp đạt 04 tấn/ha, đặc biệt có những năm đạt 05 tấn/ha. Hiện nay, với 600 trụ tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh, trung bình mỗi trụ cho năng suất từ 07 đến 08 kg, tổng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của gia đình Hợp (sau khi trừ chi phí đầu tư) mỗi năm đạt trên 400 triệu đồng./.
S.Pa