Ông Nguyễn Văn Chức ở buôn Jốk (xã Ea H'đing) với mô hình sản xuất lát tre thô cung cấp cho cơ sở làm lồng chim
Thay vì trồng tre lấy măng, ông Nguyễn Văn Chức ở buôn Jốk (xã Ea H'đing) lại chọn lấy thân cây tre để sản xuất thành những lát tre thô cung cấp cho các cơ sở làm lồng chim trong cả nước. Tuy mới làm được hơn 02 năm, nhưng cách làm mới mẻ này bước đầu đã mang hiệu quả kinh tế, giúp gia đình ông Chức có thu nhập ổn định, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Chức (bên trái) giới thiệu sản phẩm lát tre thô
Ông Nguyễn Văn Chức ở buôn Jốk (xã Ea H'đing) tâm sự: Trước đây gia đình tập trung sản xuất nông nghiệp với 02 ha cà phê và trồng xen thêm hồ tiêu cùng nhiều loại cây ăn quả khác. Vài năm gần đây, khi giá các mặt hàng nông sản bấp bênh, chi phí đầu tư sản xuất cao, vườn cây từng bước già cỗi, năng suất kém…đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập chính của gia đình. Năm 2016 ông Chức đầu tư 500 triệu đồng mở trang trại chăn nuôi dê với số lượng trên 200 con. Vào thời điểm đó giá dê thương phẩm trên thị trường giảm mạnh, nên đến đầu năm 2020 ông quyết định bán gần hết đàn dê, chỉ giữ lại 30 con để nuôi. Với số tiền bán dê, ông quyết định mua thêm 1,4 ha đất để sản xuất, sau khi chia đất cho các con, ông chỉ giữ lại cho mình 07 sào để trồng cà phê. Với mong muốn cải thiện thu nhập, ông Chức đã nghiên cứu, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế ở nhiều địa phương, trong đó có mô hình làm ông chú ý đó là mô hình sản xuất các lát tre thô cung cấp cho những cơ sở làm lồng chim trong cả nước. Bởi cơ sở cung ứng lát tre thô còn khá hạn chế, trong khi đó thị trường rộng, nên ông đã bàn bạc mở xưởng sản xuất với giống tre sử dụng để làm là tre Mạnh Tông. Cây tre Mạnh Tông sau khi được đưa vào xưởng sẽ được cắt thành các lát mỏng, sau đó được bào nhẵn và mịn với chiều rộng từ 03 đến 06 cm, chiều dài khoảng 50 cm rồi mang đi luộc, sau đó mang phơi khô trong vòng 10 ngày hoặc sấy để tránh mối mọt. Các thành viên trong gia đình ông đều được phân công nhiệm vụ cụ thể từ khâu nhập nguyên liệu, xử lý, đóng gói, phụ trách đưa ra thị trường tiêu thụ… Ông Nguyễn Văn Chức ở buôn Jốk (xã Ea H'đing) chia sẻ: Tôi cũng đã trồng hồ tiêu, cà phê, nhưng một thời gian thì vườn tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, cà phê thì ngày càng già cỗi năng suất thấp. Gia đình cũng đã chuyển sang cây bơ, rồi qua cây sầu riêng nhưng tôi thấy cũng không ổn định. Chăn nuôi thì cũng không bền vững bởi dịch bệnh. Vì vậy tôi nghĩ phải kiếm cái nghề gì đó để làm như trồng nấm, nuôi sâu, làm tre, trúc. Tôi thấy làm tre tuy vất vả nhưng phù hợp, kỹ thuật không đòi hỏi cao. Mình mua cây tre về rồi sơ chế làm thô, xuất cho người ta làm lồng chim.
Ông Nguyễn Văn Chức cho biết thêm: Việc sản xuất các lát tre thô khó nhất vẫn là khâu chọn tre. Cây tre Mạnh Tông phải già, đúng độ tuổi, thân cây chuyển sang màu đỏ thì sẽ cho sản phẩm lát tre chất lượng, giá thành cao. Hiện nay mỗi năm gia đình ông cung cấp ra thị trường trên 20.000 lát tre với giá giao động từ 3.000đ đến 5.000đ/lát tre cho các cơ sở, cửa hàng làm lồng chim trong cả nước. Hoạt động này không những việc làm cho 07 thành viên trong gia đình, mà xưởng sản xuất lát tre của ông Chức còn tạo việc làm thời vụ cho 06 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân hằng tháng từ 03 đến 04 triệu đồng. Theo tính toán sơ bộ (sau khi trừ chi phí đầu tư), xưởng làm lát tre của ông Chức cho thu nhập bình quân hằng năm trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên xưởng sản xuất lát tre thô của ông cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là nguyên liệu đầu vào khiến cho việc sản xuất không thể hoạt động thường xuyên. Hiện gia đình ông mới tiến hành trồng tre với diện tích khoảng 07 sào để cung cấp nguyên liệu sản xuất. Với dự định mở rộng quy mô sản xuất, tiến tới thành lập tổ hợp tác sản xuất tre, ông Chức mong muốn liên kết trồng tre với các hộ dân trong vùng để xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho xưởng hoạt động ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho lao động ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Chức ở buôn Jốk (xã Ea H'đing) nói: Giống tre Mạnh Tông trước đây người ta trồng nhiều để lấy măng, sau thời gian không hiệu quả, người dân phá hết, cho nên nguồn tre duy trì để làm rất khó. Tôi phải đi thu mua ở tất cả các tỉnh Tây Nguyên, chỗ nào có tre Mạnh Tông thì tôi đến thu mua nhưng nguồn cũng ít. Giá thành nguyên liệu cao, tre già, tre to tôi thu mua 200.000đ/cây. Để sản xuất lâu dài, mình phải liên kết với nhân dân địa phương để trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo công việc và thu nhập lâu dài, ổn định.
Ông Trần Minh Đạo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea H'đing cho biết: Mô hình sản xuất lát tre thô cung cấp cho các cơ sở làm lồng chim của gia đình hội viên nông dân Nguyễn Văn Chức ở buôn Jốk là hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương. Hơn 02 năm đi vào hoạt động, xưởng sản xuất lát tre của ông Chức đã phát huy hiệu quả trong việc tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên trong gia đình và nhiều lao động khác ở địa phương. Nhằm giúp cho xưởng có thêm điều kiện phát triển, vừa qua Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh đã giải ngân cho gia đình ông vay 40 triệu đồng và Hội đã tư vấn, hướng dẫn cho gia đình ông thành lập tổ hợp tác sản xuất tre, từ đó vận động, liên kết với người dân trong vùng trồng tre để cung cấp nguyên liệu cho xưởng sản xuất. Ông Trần Minh Đạo - Chủ tịch Hội nông dân xã Ea H'đing trao đổi: Trong 02 năm qua, gia đình ông Chức đã chuyển qua mô hình làm tre và có hiệu quả, vừa tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình vừa tạo việc làm cho một số bà con ở địa phương. Mô hình này nếu đủ nguồn nguyên liệu thì khá hiệu quả và lợi nhuận sẽ cao hơn. Vì vậy sắp tới Hội Nông dân sẽ tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên ở các Chi hội tham quan, học tập, liên hệ và đưa giống tre về trồng nhằm tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho xưởng. Từ đó dự kiến chuyển sang mô hình tổ hợp tác để mang lại nhiều lợi nhuận hơn, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân…
Với việc chủ động tìm tòi, nghiên cứu mô hình sản xuất phát triển kinh tế phù hợp đã giúp cho gia đình ông Nguyễn Văn Chức ở buôn Jốk (xã Ea H'đing) có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình là hướng đi mới để liên kết hội viên nông dân trong sản xuất, chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu ngay tại địa phương nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên nông dân trên địa bàn./.
H'Xiu Êban