Thoát nghèo nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trong những năm qua trên địa bàn xã Quảng Tiến đã có nhiều nông dân thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đến thăm gia đình anh Huỳnh Ngọc Loan ở thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến, nhìn ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi chúng tôi không thể nghĩ đó là gia đình trước đây thuộc diện hộ nghèo. Trước đây gia đình anh Loan cũng từng đi làm thuê cuốc mướn quanh năm. Gia đình chỉ có 1 sào ruộng cùng với đồng tiền làm công ít ỏi, nên mọi chi tiêu trong gia đình anh luôn thiếu trước hụt sau. Gia đình lại đông con vì vậy anh nghĩ thoát khỏi đói nghèo là rất khó. Năm 2003 gia đình anh Loan được vay 6 triệu đồng từ Phòng giao dịch Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội huyện. Đây là những đồng vốn đầu tiên để anh có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Lúc bấy giờ phong trào nuôi heo nái được nhiều gia đình áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được sự tư vấn, hỗ trợ của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã cũng như tìm hiểu qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng, anh nhận thấy mô hình này phù hợp với gia đình mình bởi nguồn vốn đầu tư ít, công tác phòng bệnh và chăm sóc cho heo cũng đơn giản. Với suy nghĩ lấy công làm lời, anh quyết định đầu tư vốn mua 2 cặp giống heo nái, vừa nuôi, anh vừa học hỏi kinh nghiệm, từ đó đàn heo của gia đình anh phát triển tốt. Sau 2 năm đàn heo của gia đình đã phát triển được hơn 30 con. Cùng với việc nuôi heo nái, anh còn thường xuyên học hỏi các mô hình làm kinh tế khác để có cách chuyển đổi mô hình phù hợp. Anh nhận thấy nuôi bò có hiệu quả kinh tế cao hơn và theo thực tế đã có nhiều hộ thành công với cách làm này. Gia đình anh quyết định bán heo tập trung vốn mua 1 cặp bê con về nuôi. Từ 1 cặp bê con, gia đình anh đã phát triển đàn bò lên 8 con. Từ việc chăn nuôi heo nái, nuôi bò, gia đình anh đã trả được vốn và lãi cho Phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội huyện. Với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, gia đình anh chính thức thoát nghèo năm 2007 và mua được 5 sào đất để trồng cà phê, hồ tiêu. Để tiết kiệm chi phí phân bón, anh đã sử dụng nguồn phân bò để chăm sóc diện tích cà phê, hồ tiêu. Đến nay vườn cà phê gia đình đã bước vào thu hoạch chính được 2 năm. Hiện nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Anh Trần Đình Công ở thôn Tiến Thành quê ở Quảng Nam. Vì cuộc sống mưu sinh nên năm 1993 anh cùng gia đình chuyển vào CưM'gar sinh sống. Ban đầu cuộc sống khó khăn, vợ chồng anh không có đất đai phải mượn nhà ở, rồi đi làm thuê trong khi đó phải lo cho các con ăn học vì vậy gia đình anh luôn gặp khó khăn. Năm 2003 được hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp, gia đình anh vay được 3 triệu đồng từ Phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội huyện. Từ nguồn vốn tích cóp cộng với số vốn được vay, anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi heo. Dần dần đàn heo ngày một phát triển, gia đình anh đã có nguồn vốn ổn định. Với đức tính cần cù, anh luôn học hỏi kinh nghiệm làm ăn, tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, qua đó, anh nhận thấy nuôi bò sẽ cho hiệu quả cao hơn và phù hợp với tình hình sản xuất tại địa phương. Vì vậy anh bán hết đàn heo lấy vốn chuyển sang chăn nuôi bò. Từ một con bò và được vay tiếp số vốn là 10 triệu đồng của Phòng giao dịch nhánh ngân hàng chính sách xã hội huyện, anh đã phát triển số lượng bò lớn dần. Nhờ áp dụng đúng cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh nên đàn bò của gia đình anh ngày một phát triển tốt. Chỉ trong 3 năm gia đình anh đã thoát nghèo. Đến nay gia đình đã phát triển đàn bò lên 30 con và mua thêm được 3 sào đất để trồng cỏ nuôi bò. Chỉ tính riêng thu nhập từ đàn bò, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh cũng thu được hơn 100 triệu đồng.
Với đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm trong chi tiêu, mạnh dạn áp dụng KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt đã giúp gia đình anh Trần Đình Công và gia đình Huỳnh Ngọc Loan ở thôn Tiến Thành xã Quảng Tiến vươn lên thoát nghèo một cách bền vững./.
Công Phong.