Tín dụng chính sách xã hội trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới
Trong những năm qua, xây dựng Nông thôn mới (NTM) của huyện đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, được người dân đồng lòng thực hiện. Đến nay, huyện Cư M’gar có 12 xã đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới; phấn đấu trong năm 2024 có thêm 2 xã về đích nông thôn mới. Đồng hành với quá trình xây dựng NTM của huyện, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ đã có vai trò tích cực.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Mgar ông Võ Ngọc Hãn cho biết, với vai trò, trách nhiệm của mình, Phòng giao dịch thường xuyên bám sát các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên và các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của huyện để chủ động tham mưu và tích cực cho vay tín dụng chính sách xã hội theo hướng tập trung ưu tiên xây dựng NTM. Phòng giao dịch đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho các chương trình.
Tính đến ngày 31/10/2024, tổng dư nợ đạt hơn 534 tỷ đồng với hơn 12.200 khách hàng vay vốn của 17 chương trình tín dụng chính sách. Trong đó cho vay hộ nghèo đạt 61,15 ty đồng; hộ cận nghèo 181,7 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo gần 62 tỷ đồng; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 89 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm hơn 86 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hơn 20 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội gần 6 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên hơn 6,5 tỷ đồng...
Giám đốc Phòng giao dịch cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng được thụ hưởng, góp phần phục vụ kịp thời chương trình xây dựng NTM của huyện Cư M’gar. Các đối tượng chính sách được vay vốn thuận lợi, an toàn, nhanh chóng; giảm thời gian giao dịch tín dụng, tiết kiệm chi phí đi lại của hộ vay.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân tại các xã trên địa bàn huyện Cư M’gar đẩy mạnh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập; học sinh, sinh viên được vay để trang trải học phí tiếp tục theo học các trường cao đẳng, đại học, trường dạy nghề. Gia đình bà Trần Thị Mai ở thôn Hiệp Đoàn, xã Quảng Hiệp được vay vốn chính sách 50 triệu đồng, góp thêm nguồn vốn gia đình dành dụm để trồng 0,7 ha cây cà phê trồng xen tiêu. Bà Mai cho biết, đồng vốn chính sách xã hội rất có ý nghĩa, góp phần giúp gia đình bà và nhiều gia đình khác có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập; Ông Nguyễn Văn Quốc ở thôn Tân Thành, xã Cư Dliê Mnông vay 100 triệu đồng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi hưu lấy nhung. Từ mô hình của này đã đem lại hiệu quả cao từ nguồn vốn bình quân gia đình chị thu nhập hàng năm từ chăn nuôi trừ các chi phí thu về khoảng hơn 30 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi hươu của gia đình anh Nguyễn Văn Quốc, thôn Tân Thành.
Chủ tịch UBND xã Cư Dliê M nông, ông Nguyễn Sỹ Kiêm chia sẻ, trước đây nhiều gia đình trên địa bàn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt hoặc nước bị ô nhiễm. Đến nay, hơn 95% hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Nhiều gia đình đã đầu tư chăn nuôi, mở rộng sản xuất như nuôi heo, bò; trồng cà phê, cây sầu riêng ….. Nhờ nguồn vốn chính sách đã tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập, từ đó góp phần tăng tích lũy để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, góp nguồn lực lớn vào xây dựng NTM.
Ông Võ Ngọc Hãn, giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết, thời gian đến Phòng Giao dịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng hoạt động giao dịch tại xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chủ động phối hợp rà soát, thống kê số hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để tạo điều kiện cho vay kịp thời, góp phần cùng huyện Cư M’gar đạt xã về đích NTM.
Việc nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi được triển khai đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích đã và đang phát huy hiệu quả, trở thành “cứu cánh” cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cư M’gar giảm theo từng năm, đời sống người dân được nâng lên. Cùng với các chính sách khác của Đảng và Nhà nước, Chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện đã và đang góp phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.