Tưng bừng lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày-Nùng ở thôn 3 xã Cư M'gar
Đến hẹn lại lên, cứ dịp sau tết nguyên đán hàng năm, đồng bào Tày-Nùng ở thôn 3 xã Cư M'gar lại rộn ràng với lễ hội Lồng tồng (lễ hội xuống đồng). Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào Tày-Nùng, mang đậm tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa mở đầu cho một mùa sản xuất mới.
Cách trung tâm thị trấn Quảng Phú khoảng 10 km nằm về hướng Tây Bắc của huyện, thôn 3 xã Cư M'gar hiện nay hình thành như một vùng Việt Bắc thu nhỏ. Bắt đầu từ những năm 1990 của thế kỷ trước, thôn 3 xã Cư M'gar đã trở thành quê hương thứ hai của đồng bào Tày, Nùng và Kinh từ các tỉnh phía Bắc vào đây định cư sinh sống. Trong số các dân tộc khác nhau sinh sống nơi đây, thì đồng bào người Tày và đồng bào người Nùng chiếm khoảng 50% dân số. Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân 63 tuổi Bế Thị Đà dân tộc Tày hiện sinh sống ở thôn 3 xã Cư M'gar cho biết: "Cũng như nhiều dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, nhất là đối với những dân tộc có nền văn hóa lúa nước lâu đời như dân tộc Tày, Nùng. Trong một năm, người Tày-Nùng tổ chức nhiều ngày hội và ăn Tết của dân tộc mình, nhưng Tết tháng giêng là Tết lớn nhất, thường kéo dài đến hết tháng 03 âm lịch. Trong thời gian này, đồng bào Tày-Nùng tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, trong đó phổ biến nhất vẫn là lễ hội Lồng tồng (hay còn gọi lễ hội xuống đồng). Lễ hội Lồng tồng nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, làm ăn may mắn, mùa màng tươi tốt, gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở. Trong phần lễ, các thầy cúng đại diện cho dân làng thực hiện các nghi lễ do dân làng sửa soạn, trong đó mâm cỗ cúng Thần Nông phải thật to và trang trọng. Mâm lễ có sôi, có gà, các loại bánh chưng, bánh dầy, bánh khẩu si, khẩu sà, các loại hoa quả, rượu ngon. Sau bài khấn Thần Nông, các sư tử thể hiện những bài múa chầu, rồi thầy cúng làm phép tưới nước thay mưa, gieo hạt giống, dân làng thi nhau hứng những hạt giống và nước mưa đó để cầu lấy may mắn cho gia đình cả năm".
Tại lễ hội, các lễ vật cúng thần linh được trưng bày cùng mâm bánh ngũ sắc rất đẹp mắt, cách bài trí, sắp xếp của các loại bánh, hoa quả đều có ngụ ý riêng, tạo nên sự đoàn kết, sung túc; bao bọc bởi một đường tròn tượng trưng cho sự viên mãn, bền chặt trong cuộc sống. Sau phần lễ là phần hội gồm các trò chơi dân gian văn hóa truyền thống được dân làng tổ chức thi tài với nhau như: đánh quay, đi cà kheo, kéo co, ném còn, bịt mắt đánh trống, qua cầu Kiều. Cùng với đó là các loại hình dân ca, dân vũ, hát then, hát lượn, hội thi ẩm thực, mỗi loại hình đều gắn bó mật thiết đến đời sống sinh hoạt và tâm linh hàng ngày của đồng bào Tày-Nùng.
Lễ hội Lồng tồng được đồng bào Tày-Nùng ở thôn 3 xã Cư M'gar tổ chức hàng năm đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài huyện, là nơi để du khách đến thưởng lãm và du xuân, đắm mình trong lễ hội truyền thống văn hóa lúa nước. Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát huy, làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng. Góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội, loại bỏ các yếu tố mê tín, dị đoan, các hủ tục lạc hậu và tạo được môi trường vui chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc trong và ngoài huyện. Đồng thời, tạo sự đoàn kết gắn bó mật thiết giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và môi trường xã hội./.
Công Phong